Mỹ và Iran khó có khả năng chuyển từ đấu khẩu răn đe sang sử dụng vũ lực

Dễ hiểu lý do Mỹ rất sốt sắng trong việc thúc đẩy Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết cho phép không kích Libya. Trong tình hình đó, Iran phản ứng ra sao?

>> Nỗi lo xuất khẩu “cách mạng hồi giáo”

Suốt 32 năm qua, Mỹ và Iran đã không bỏ sót cơ hội nào để lên án nhau. Thời gian diễn ra “Mùa xuân Ả Rập”, Mỹ lại càng đẩy mạnh sự trừng phạt kéo dài nhiều năm qua do việc Iran phát triển hạt nhân. Nhiều nước lớn và nhỏ tránh va chạm với Mỹ nên phải từ bỏ làm ăn với Iran.

Nhưng cùng lúc lại diễn ra những sự trớ trêu: triển lãm dầu khí của Iran vào giữa tháng 4-2011 tưởng sẽ vắng như chùa Bà Đanh, không ngờ lại đông vui khi thu hút gần 1.000 công ty trong nước và hơn 500 công ty nước ngoài, trong đó có cả Đức, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Bắc Âu, các nước Trung Đông... Hóa ra người ta vẫn ngại Mỹ về nhiều mặt, nhưng thực tế lại có những lối đi riêng tế nhị của nó.

Trong khi cố gắng tồn tại và phát triển trong thế bị bao vây và cô lập, Iran cũng phải có những bước đi và phương pháp riêng. Chẳng hạn đối với Nga, Iran là cửa ngõ để Nga đi vào vùng Vịnh. Một mặt Nga phải làm hài lòng phương Tây, mặt khác không thể bỏ Iran. Nga vẫn cung cấp năng lượng cho lò phản ứng hạt nhân Bushehr.

Mạng weekly.ahram.org.eg cho biết tổng thống Nga đã ký sắc lệnh không bán tên lửa S-300 cho Iran để tuân thủ biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhưng Thủ tướng Putin lại nói với Tổng thống Pháp Sarkozy rằng Nga có thể thoải mái trao hệ thống tên lửa này cho Iran. Hai quan điểm trái ngược này cho phép người ta suy đoán rằng trên thực tế, Iran đã có được kỹ thuật tạo dựng hệ thống phòng thủ công nghệ cao của Nga.

Đối với Nga, Iran là cửa ngõ để Nga đi vào vùng Vịnh. Một mặt Nga phải làm hài lòng phương Tây, mặt khác không thể bỏ Iran. Nga vẫn cung cấp năng lượng cho lò phản ứng hạt nhân Bushehr.

Trở lại với thái độ ngày càng cứng rắn hơn của Mỹ đối với Iran. Nhân biến cố quân đội nước ngoài tiến vào Bahrain để giúp đàn áp phong trào nhân dân, Mỹ đã có những lời khuyên nhẹ nhàng với Bahrain và Saudi Arabia, đồng thời không quên tận dụng cơ hội để lên án Iran. Ngày 6-4, Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates nói với nhà vua Saudi Arabia khi đến thăm Riyadh rằng Mỹ có “bằng chứng” về việc Iran can thiệp vào Bahrain và các nước Trung Đông.

Không đưa ra bằng chứng, nhưng chỉ riêng việc tuyên bố như vậy đã là nghiêm trọng. Đến ngày 20-4, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhắc nhở Bahrain và các đồng minh Trung Đông không được dùng vũ lực, nhưng vẫn phải “móc” Iran vào: Mỹ lo ngại sự đàn áp ở Trung Đông sẽ cho Iran lý do để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Cuối tháng 4-2011, Mỹ chọn lúc chính quyền Syria đối phó với phong trào đấu tranh để lên án Iran đã giúp Syria kinh nghiệm chặn thư điện tử, điện thoại di động và tin nhắn của những người biểu tình.

Ngày 23-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án chính quyền Syria đã sử dụng vũ lực “vô nhân tính” đàn áp người biểu tình: “Thay cho việc lắng nghe ý kiến của nhân dân mình, Tổng thống Assad lại tìm kiếm sự hỗ trợ của Iran để đàn áp công dân Syria thông qua chiến thuật tàn bạo từng được đồng minh của ông ta là Iran sử dụng” (news.scotman.com 23/4). Có thể dự đoán rằng Mỹ đang chuẩn bị những nước đi tiếp theo, cứng rắn và mạnh mẽ hơn.

Nhưng trùng hợp với việc Iran bác bỏ mọi lời buộc tội của những “thế lực ngạo mạn”, WikiLeaks tiết lộ những bức điện mật cho thấy Mỹ từ lâu đã tiến hành một chiến dịch để lật đổ chính quyền Syria. Được Washington Post đăng vào ngày 18-4-2011, những bức điện này cho thấy từ năm 2006 Bộ Ngoại giao Mỹ đã bí mật cấp cho những nhóm đối lập ở Syria gần 6 triệu USD.

Điều này chỉ càng khẳng định thêm: những biến động trong vùng không thể không có bàn tay của Mỹ. Iran quy hết cho tham vọng của Mỹ muốn kiểm soát nguồn dầu lửa của khu vực. Ở trường hợp Libya chỉ cung cấp khoảng 2% dầu lửa của thế giới, vấn đề là Mỹ và phương Tây muốn chứng tỏ uy danh, bắt những kẻ cứng đầu cứng cổ phải khuất phục. Không gì khác, theo Iran, đó vẫn là chính sách bá quyền, mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và nhằm tiêu thụ vũ khí.

Mỹ tỏ ra cứng rắn trong đấu khẩu, đồng thời gần đây lại sử dụng chiến tranh “mềm” với Iran. Từ thời tổng thống G. Bush, Mỹ đã ủng hộ việc khống chế hệ thống điện tử, máy tính và các hệ thống khác phục vụ chương trình hạt nhân của Iran - dùng virut như vụ Stuxnet phá hoại hơn 30.000 máy tính ở Iran, mặc dù Iran bác bỏ việc virut này gây tổn hại cho nhà máy Bushehr và Natanz. Mới đây, Mỹ và Israel lại tiến hành trận chiến thứ hai với virut Star, bắt chước những văn bản máy tính của Chính phủ Iran để xâm nhập và phá hoại.

Bên cạnh đó, Mỹ còn sử dụng chiến tranh tâm lý thông qua hệ thống tuyên truyền trên Internet - một loại “vũ khí xâm lược từ không trung”. Một ví dụ là thông điệp của tổng thống Mỹ vào dịp tết năm mới Norouz của Iran vào cuối tháng 3-2011, thay cho việc chúc tết đúng tập quán, ông Obama lại bày tỏ tình đoàn kết với thanh niên, kích động vấn đề nhân quyền và bênh vực tù chính trị ở Iran.

Mỹ và Iran khó có khả năng chuyển từ đấu khẩu răn đe sang sử dụng vũ lực, nhưng chắc chắn Mỹ sẽ có những bước đi kiên quyết hơn trong việc trừng phạt Iran và trừng phạt những nước ngấm ngầm xé rào để làm ăn với Iran.

Iran lường trước được điều này và cũng chuẩn bị cho sự đương đầu quyết liệt hơn ở phía trước. Với những đồng minh trong khu vực, Iran vẫn tiếp tục chính sách ủng hộ và hỗ trợ lâu nay, sẽ có những lời khuyên hữu ích để các chính quyền đó nhân nhượng trước yêu cầu chính đáng của quần chúng, đồng thời siết chặt an ninh, nếu phải dùng đến biện pháp giải tán biểu tình thì sử dụng hơi cay hơn là súng đạn, phá kế hoạch tập hợp đám đông bằng cách làm nghẽn mạng Internet và điện thoại di động...

Còn với phong trào đối lập thân cận ở một số nước khác, Iran vẫn cố vấn phương pháp tổ chức đấu tranh, hỗ trợ về tài chính, chiến lược, thậm chí cả vũ khí để đấu tranh với chính quyền.

Với nội bộ, Iran tăng cường công tác an ninh, duy trì sự bình yên và ổn định trong xã hội. Không giống hệ thống tuyên truyền của Mỹ và phương Tây phản ánh, đời sống xã hội của Iran tương đối ổn định và bình lặng. Lực lượng đối lập thỉnh thoảng có chứng tỏ sự hiện diện, thậm chí bằng những cuộc biểu tình khá đông người, nhưng thiếu hiệu quả, cho thấy tiềm lực còn hạn chế. Iran đã kịp thời dập tắt những cuộc biểu tình trong nước, không để lây lan và gây ảnh hưởng lớn. Lực lượng chống Iran đến nay chưa đủ sức đối đầu với công tác an ninh trật tự của chính quyền.

Cùng lúc, Iran khuếch trương hoạt động quân sự, vừa biểu dương lực lượng, vừa gây thanh thế trong vùng, vừa đẩy mạnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ngay sau khi chính quyền ở Ai Cập thay đổi, Iran đã đưa hai tàu chiến đi qua kênh Suez, nối Hồng Hải và Địa Trung Hải, đến Syria để “nắn gân” các nước trong vùng.

Một loạt triển lãm giới thiệu vũ khí mới tự chế, tên lửa phòng không tầm bắn 300km, tàu cao tốc mang tên lửa đối hải tầm trung, hạ thủy tàu khu trục Jamaran để triển khai tại vịnh Persic, có kế hoạch sản xuất máy bay tiêm kích, tiến tới trang bị hệ thống phóng tên lửa cho tàu ngầm... đều nhằm mục đích răn đe các nước thân Mỹ trong khu vực, đồng thời chứng tỏ sự cảnh giác cao độ và thường xuyên.

Bên cạnh tăng cường an ninh và quân sự, một việc nữa mà Iran đẩy mạnh là tuyên truyền giáo dục ý thức dân chúng về cách mạng, phát huy truyền thống của cuộc cách mạng Hồi giáo 1979, đẩy mạnh tinh thần tự lực cánh sinh để phát triển. Người Iran vốn mạnh về tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào về một nền văn minh lâu đời ngang vai với văn minh Hi Lạp, La Mã.

Người ta nhắc lại công trình nghiên cứu của World Value Survey cách đây mười năm đã xếp người Iran đứng đầu về tinh thần dân tộc: 92% người Iran được hỏi đều nói họ tự hào về việc là người Iran (con số đó với người Mỹ là 72% và người Anh là 50%). Điều này khiến nhà bình luận Mishaal Al Gergawi của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đi đến kết luận: Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (bước sang tuổi 30 vào tháng 2-2011) không phải đang chiến đấu với một nền cộng hòa 32 tuổi mà là với một nền văn minh hơn 2.500 năm.

Tinh thần dân tộc đang được chính quyền Iran huy động trong ván cờ khu vực để đoàn kết toàn dân, có tính đến cả sự đoàn kết nội bộ chính quyền. Bởi lẽ người ta vẫn biết giới cầm quyền ở Iran có thể sát cánh trong đối phó với các thế lực bên ngoài, nhưng quan hệ nội bộ với nhau không phải lúc nào cũng là đồng tâm nhất trí.

No comments:

Post a Comment