Vụ việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam: Lộ những mưu đồ
Trong những ngày qua, Việt Nam và Philippine, hai nước nằm ở vị trí quan trọng trên đường “Nam tiến” của Trung Quốc, nhiều lần tố cáo tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền trên biển và hành động gây hấn của Bắc Kinh làm cho tình hình trong khu vực căng thẳng thêm.
Một tuần trước, Việt Nam lên án Trung Quốc vi phạm Luật Biển, cho tàu hải giám cắt dây cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 ngày 26/5. 4 ngày sau (31/5), 3 tàu quân sự Trung Quốc nổ súng uy hiếp 4 tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên. Trung Quốc còn có hành động hết sức vô lý và độc đoán là ra lệnh cấm đánh cá trong vòng hai tháng rưỡi từ 15/5/2011 đến 1/8/2011 ngay trong ngư trường của Việt Nam.
Chiến thuật “nắn gân” Việt Nam trong vụ “tàu Bình Minh 02” đã đẩy chính quyền Trung Quốc rơi vào chiếc bẫy của chính họ. Ngày 4/6/2011, tại Diễn đàn An ninh khu vực - Đối thoại Shangri-La, tổ chức ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhận định tình hình căng thẳng tại Biển Đông xuất phát từ thái độ khiêu khích của Trung Quốc. Ông Gates cho rằng nếu không có một cơ chế giải quyết xung đột ôn hòa thì sẽ khó tránh khỏi một cuộc xung đột vũ trang. Ông cũng cam kết Mỹ sẽ đưa thêm vũ khí mới vào châu Á từ tàu chiến đến máy bay tàng hình và phương tiện chiến tranh tin học và trong 5 năm tới, sự hiện diện của Mỹ tại châu Á từ Bắc Á đến Ấn Độ Dương sẽ hùng hậu hơn hiện nay.
Bất chấp sự đe dọa trắng trợn của Trung Quốc, tàu Bình Minh 02
vẫn tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ tại lãnh hải Việt Nam
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt vội vã tuyên bố, quân đội Trung Quốc không có hành động nào gây căng thẳng tại Biển Đông.
Về phía Việt Nam, trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Tài chính", Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã có một câu tuyên bố nhiều ý nghĩa: “Việt Nam hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ lẫn Trung Quốc, miễn sao họ tôn trọng luật quốc tế và quyền lợi các quốc gia trong khu vực”.
Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Philippine đã lên tiếng mạnh mẽ về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tiếng nói cứng rắn đối với Trung Quốc như vậy tại một diễn đàn quốc tế. Tại Diễn đàn, Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Voltaire Gazmin của Philíppin đều mạnh dạn đề cập tới các trường hợp mà họ gọi là “các vụ việc gây bất ổn trên Biển Đông” do Trung Quốc châm ngòi.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Robert Gates tại Shangri La
Đại tướng Phùng Quang Thanh bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn Trung Quốc thực hiện đúng những gì họ tuyên bố công khai với thế giới” và kêu gọi “hai bên phải hết sức kiềm chế, giải quyết các vấn đề một cách hòa bình”. Phần trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế bình luận là “thẳng thắn và mạnh mẽ một cách hiếm thấy”. Ví dụ, ông nói về đàm phán lãnh thổ tại Biển Đông, và khẳng định quan điểm của Việt Nam là “chỗ nào liên quan hai nước thì đàm phán song phương, còn chỗ nào liên quan nhiều nước thì phải đàm phán đa phương. Quần đảo Trường Sa và đường yêu sách chín đoạn (đường lưỡi bò) liên quan tới nhiều nước, thì phải đàm phán đa phương”. Tướng Thanh cũng đề cập tới lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm mà Trung Quốc đưa ra, áp dụng cho cả những vùng biển của Việt Nam. Ông tuyên bố: “Chúng tôi không đồng tình với việc này, và đã phản đối qua con đường ngoại giao. Các tuyên bố đưa ra cần thể theo luật pháp quốc tế”.
Bình luận về các phát biểu của hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Philippine, giới quan sát nước ngoài cho rằng “các căng thẳng mới ở Biển Đông đã trào lên bàn hội nghị Shangri-La". Một nhà ngoại giao Hàn Quốc, đề nghị giấu tên, nói “Việt Nam đã tỏ thái độ không khoan nhượng”.
Lo ngại các nước châu Á liên kết với Mỹ chống lại Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt kêu gọi một thái độ “dân chủ trong quan hệ quốc tế” để bảo vệ “quyền lợi then chốt” của từng quốc gia và “duy trì hòa bình”. Không biết Trung Quốc hiểu các từ ngữ này như thế nào? Nhưng từ Hàn Quốc, Nhật Bản ở biển Hoa Đông đến Việt Nam, Philippine, Malaysia, Indonesia ở Biển Đông, tất cả đều đã va chạm với Trung Quốc. Chính sách “chuỗi ngọc trai” và “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa lời nói và việc làm của giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Nhóm tác giả Quỹ Nghiên cứu Biển Đông trong bài “Chiến lược chuỗi ngọc trai và chiến lược bảo vệ Biển Đông”, đưa ra nhận định như sau: “Thực chất của tình trạng căng thẳng trên Biển Đông dẫn đến cuộc chiến đối ngoại vừa qua chính là do Trung Quốc muốn đè bẹp ASEAN và thăm dò phản ứng của Mỹ và Ấn Độ. Giải pháp hiệu quả nhất để Trung Quốc không dám sử dụng vũ lực là “không quá nhân nhượng”.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment